Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Ninh Hải - Huyện Ninh Giang

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Ninh Hải


LÝ LỊCH DI TÍCH

ĐÌNH CHÙA BỒNG LAI

XÃ NINH HẢI - HUYỆN NINH GIANG

TỈNH HẢI DƯƠNG


đình bồng lai.jpg

chùa bồng lai.jpg

 

          I. TÊN GỌI DI TÍCH

                   - Tên thường gọi: Đình, chùa Bồng Lai

                   - Tên tự của chùa: Sùng Quang tự

Bồng Lai là mảnh đất được hình thành khá sớm trong lịch sử. Trước cách mạng tháng 8/1945, Bồng Lai (còn có tên gọi khác là Bồng Tang, Bồng Lợi) là một xã thuộc tổng Xuyên Hử, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Nay Bồng Lai là một trong 3 thôn của xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Cùng với tên gọi trên, chùa Bồng Lai còn có tên gọi là "Sùng Quang Tự" tức chùa Sùng Quang. Theo dòng lịch sử, tên đình và chùa gắn liền với tên thôn Bồng Lai một cách tự nhiên.

Hai di tích liền sát nhau trên một thửa đất, nên chúng tôi thống nhất viết chung gọi chung là: đình, chùa Bồng Lai.

II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ VÀ ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

1. Địa điểm phân bố

Đình - chùa Bồng Lai nằm trên một khu đất cao ráo, thoáng rộng tại vị trí giữa thôn Bồng Lai. Mặt tiền của đình quay hướng Nam, nhìn ra hồ tròn 7 mẫu của thôn, phía Đông giáp đường, phía Bắc và phía Tây giáp khu dân cư.

Lịch sử Làng xã

Vào thế kỷ XIX, Bồng Lai là một trong 6 xã thuộc tổng Xuyên Hử, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Tổng Xuyên Hử gồm các xã: Bồng Lai, Đông Cao, Hữu Chung, Nhân Lý, Tiên Liệt và Xuyên Hử.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, các xã đều chuyển thành thôn và đơn vị tổng bị bãi bỏ, do đó xã Bồng Lai chuyển thành thôn Bồng Lai và sáp nhập với một số thôn khác thành lập xã mới, lấy tên là xã Ninh Hải.

Hiện nay, xã Ninh Hải có 3 thôn: Bồng Lai, Đồng Bình và Nhân Lý. Nhân dân sống chính bằng nghề nông nghiệp trồng lúa nước, phong tục thuần hậu.

Về vị trí địa lý xã Ninh Hải:

- Phía Đông giáp xã Tân Hương

- Phía Tây giáp xã Hồng Phong và Kiến Quốc

- Phía Nam giáp xã Hồng Dụ

- Phía Bắc giáp xã Đông Xuyên và Vạn Phúc

Xã Ninh Hải có diện tích tự nhiên là 544,28 ha, dân số 7505 người, riêng thôn Bồng Lai có diện tích 322ha, dân số 4.460 người (tính đến tháng 05 năm 2023).

Trong quá trình tạo dựng quê hương, người dân Ninh Hải đã hun đúc nên những truyền thống lịch sử, văn hoá quý báu. Đó là những giá trị tinh thần và vật chất. Xưa kia thôn nào ở Ninh Hải cũng có đình, chùa, nhưng trải qua thời gian và chiến tranh, nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo đã bị tàn phá. Hiện nay, ở Ninh Hải các công trình còn lại là đình, chùa Bồng Lai, nghè Bồng Lai (thôn Bồng Lai); nhà thờ giáo họ Đồng Bình, đình Đồng Bình, nghè Đồng Bình (thôn Đồng Bình); chùa Bụt Mọc, đình Nhân Lý (thôn Nhân Lý). Gần đây mới xây dựng chùa Đông Hải trên nền chùa cũ của thôn Đồng Bình.

Ninh Hải là một địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hoá, chính quyền và nhân dân địa phương đang từng bước giữ gìn, trùng tu, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của di tích, đáp ứng được cuộc sống tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân.

2. Đường đi đến di tích

Về thăm di tích đình - chùa Bồng Lai, du khách có thể xuất phát từ trung tâm thành phố Hải Dương theo hai tuyến đường: Tuyến thứ nhất theo đường 17 đến ngã ba đường Vòng (Hải Tân - TP Hải Dương) gặp đường 391 đi thẳng đến thị trấn Tứ Kỳ. Từ đây, rẽ phải qua cầu Vạn tới quốc lộ 37, đi tiếp 1km qua cầu Ràm, rẽ phải theo đường liên xã qua xã Tân Hương, Đông Xuyên là tới thôn Bồng Lai - nơi có di tích. Tuyến thứ hai theo đường 17A từ Hải Dương đi qua thị trấn Gia Lộc về thị trấn Ninh Giang cách 3km, rẽ phải theo đường 396 đến cầu Dầm. Từ đây, rẽ phải theo đường liên xã khoảng 2,5km là đến thôn Bồng Lai - nơi có di tích.

Cả hai tuyến đường đều phù hợp với mọi phương tiện giao thông phổ biến như: Ô tô, xe máy.

III. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT ĐƯỢC THỜ

1.  Nhân vật được thờ tại đình

Căn cứ vào thần tích do Hàn lâm viện Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Quản giám bách thần trì điện hùng lĩnh thiếu khanh (thần) Nguyễn Hiền phụng sao vào năm Hoàng triều Vĩnh Hựu thứ 6 tháng 8 mùa thu ngày lành (1740); Căn cứ vào hệ thống câu đối, đại tự, tài liệu lưu trữ tại Viện thông tin khoa học xã hội cho biết: Đình Bồng Lai tôn thờ Thám hoa Lương Như Hộc- ông tổ của nghề khắc ván in mộc bản, có công giúp vua Lê Thái Tông (1434 - 1442) hai lần đi sứ phương Bắc, giữ yên đất nước. Thân thế và sự nghiệp của ông có thể tóm tắt như sau:

Xưa, triều Lê Thái Tông (tên huý là Nguyên Long) ở trang Hồng Liêu (Liễu), Gia Lộc (xưa gọi là Trường Tân, sau đổi là Gia Phúc), phủ Hạ Hồng (sau đổi là Ninh Giang), đạo Hải Dương (xưa gọi là Hồng Châu, tục gọi là Doanh Dậu), có người họ Lương, tên huý là Hồng, lấy vợ người bản quận tên là Đào Thị Tuyết, vốn gia đình dòng dõi thi lễ, luỹ thế trâm anh, thực xứng với ông khoá đồng giỏi nghề thầy thuốc. Hàng ngày, lấy đó làm kế sinh nhai dần dần trở nên giàu có. Ông bà giầu lòng nhân đức, tuổi đã cao mà chưa có con, liền tìm đến nơi danh lam thắng cảnh, đền thiêng danh động công đức trùng tu cầu đảo. Một hôm, ông nghe tin trong quận trang Bồng Lai có miếu thờ thần rất linh ứng, cầu được như ý, xin nguyện hết lòng đi theo. Ông bà sắm sửa đầy đủ lễ vật tiền hương, tìm đến nơi tiến lễ cầu âm phù, nguyện mong thần linh thiêng giáng phúc. Ông bà lại đi du ngoạn xung quanh, xong thì trời đã xế chiều, không kịp về nhà liền nghỉ lại trong miếu. Đêm đó, đến cuối canh ba, Đào thị bỗng nhiên mộng thấy một ông lão áo mũ chỉnh tề, hình dáng cao lớn từ trong đường miếu đi ra tự xưng: “Ta vốn là dòng dõi con cháu hào kiệt nhà Hùng, linh thiêng phụng mệnh thiên đình làm Thành hoàng nơi này ở miếu sở, tên tự là “Linh thông cảm ứng chỉ Thần". Nhà khanh giầu lòng nhân đức, trời đã thấu tỏ, nay định cho ta giáng sinh xuất thế đầu nhập vào bào thai", nói xong biến mất. Lại thấy một dải hào quang bay quấn xung quanh. Ông thầm nghĩ trong mộng tất có điềm lành. Sáng hôm sau, ông bà dâng lễ bái tạ rồi trở về nhà. Từ đó Đào thị có thai. Đến ngày 6 tháng giêng năm Nhâm Dần, bà sinh hạ được một người con trai thiên tư kỳ lạ, diện mạo khôi ngô. Năm lên 3 tuổi, đặt tên là Lương Như Hộc. Năm lên 7 tuổi, cho vào học thầy Lã tiên sinh. Năm lên 16 tuổi, thiên tư cao lớn, lực học tinh thông, đọc thuộc binh thư, tài năng kỹ nghệ phi thường. Năm: 19 tuổi, cha mẹ chẳng may qua đời, Công liền chọn nơi đất tốt để làm lễ an táng gia đường, phụng thờ ba năm. Phục tang xong, Công nhủ lòng học để giáo hoá dân chúng. Một hôm, Công đến trang Bồng Lai, huyện Vĩnh Lại bản phủ, thấy khu trang có thế đất quanh co, long hổ hoàn bão, núi không cao mà to, sông dẫn nước hữu tình, cảnh vật phong quang đẹp đẽ. Công liền truyền cho thiết lập học đường để dạy dân văn tự. Được mấy năm, nhân dân ai nấy đều kính mộ. Bấy giờ, Vua Thái Tông hạ lệnh chiếu truyền các huyện, châu, đạo trong thiên hạ, nơi nào có người thông minh, tài trí lại đức độ hiếu liêm, hiền lương phương chính, trung thực thì về triều ứng tuyển. Công đi bộ lên trường ứng thí. Văn trận tài cao đệ danh chiếm Khôi Nguyên, tiếp theo thi Đình ông trúng Thám Hoa (khoa thi năm Canh Tuất - niên hiệu Thiệu Bình Đại Bảo thứ 3 (1442). Công thường dạy cho dân làng kỹ nghệ chạm trổ. Vua Thái Tông thấy Công văn võ toàn tài, lại là bậc kẻ sĩ có tay nghề giỏi, liền tuyển Công làm “Đô chỉ huy sứ Đại tướng quân". Công nhận quan tước và phụng mệnh về quê hương mở tiệc lớn chúc mừng. Công nghĩ đến lời cha mẹ kể khi còn sống, liền trở về trang Bồng Lai để xem tình cảnh ra sao. Bấy giờ, phụ lão nhân dân sĩ tử trang Bồng Lai ai nấy đều sợ hãi, liền hành lễ chúc mừng và xin làm gia thần tôi con. Công bằng lòng, nói với phụ lão gia thần: “Ta vốn là thần của trang khu, được giáng sinh xuất thế tài năng như vậy. Nay ta được hiển vinh trở về, thiết lập cung sở, trùng tu miếu điện, lại phát nhiều kim ngân cứu giúp người nghèo, xây dựng nhà dưỡng lão". Nhân đó, phụ lão nhân dân trang Bồng Lai liền tâu với Công rằng: “Nhờ có đức lớn của ngài mà nhân dân mới an nghiệp, nơi đó nay làm học đường, ngày sau xin làm nơi phụng thờ tế lễ". Công bằng lòng. Sau đó, Vua Thái Tông vời Công về kinh, chuyển Công làm “Đông các Đại học sĩ" và cử Công đi phụng sứ phương Bắc tiến cống để giữ yên thiên hạ. Công lãnh binh sĩ xuống thuyền rồng cùng đồ vật đến thẳng Bắc triều tiến cống. Sau khi phụng sứ phương Bắc xong, Công trở về kinh đô. Vua Thái Tông thấy Công có công lao to lớn với quốc triều, liền ban thưởng hoàng kim 10 hốt, gấm vóc trăm vuông và mở tiệc lớn chúc mừng. Lúc này, Bắc triều lại sai sứ mang chiếu thư thăm hỏi các nhà kỹ nghệ nước An Nam phụng hiến để phong Vương cho họ. Vua Thái Tông nói với Công rằng: “Tướng quân đại tài, văn võ kỹ nghệ tinh xảo điệu luyện, trấm phiền tướng quân đi sứ kinh Bắc tiến cống lần nữa thì thiên hạ thanh bình, quốc gia an lạc, đó là phúc lớn cho quốc gia vậy". Ngay hôm đó, Công lại lĩnh mệnh phụng sứ Bắc triều, quần hiền nhân đó có tập thơ rằng:

“Túc tích bình sinh biến Cửu châu,

Kỷ kinh sóc tuyết dữ viêm khu.

Cổ xưng lương sứ vô gia thử,

Tiện thị càn khôn nhất trượng phu".

(Nghĩa là:     Bình sinh ta rời đất Cửa châu,

Bao phen nắng lửa, tuyết mưa thâu.

Xưa xưng sứ giỏi đâu thêm vậy,

Sánh tựa trời đất, nhất trượng phu).

Công hai lần phụng sứ đi tiến cống Bắc triều, công việc tốt đẹp vẹn toàn. Xa giá thắng lợi trở về kinh đô. Vua Thái Tông mở tiệc lớn chúc mừng và thưởng thêm cho Công hoàng kim 30 hốt, cho phép Công trở về hưởng thực ấp ở đạo Hải Dương. Công bái tạ trở về nhậm sở. Lúc này đang tiết mùa Đông, Công ngồi trong doanh, bỗng nhiên thấy trời đất nổi cơn giông dữ dội, một dải mây vàng như hình lụa hồng từ trên trời bay thẳng xuống trong doanh, thấy bóng ngài theo mây bay đi, như xa giá đón ngài đến đầu trang Hồng Liễu quê cũ thì không thấy đâu nữa. Tức ngài đã hoá (bấy giờ vào ngày 15 tháng 11). Trong khoảnh khắc, trời lại trong sáng. Sĩ tốt và nhân dân gia thần ai nấy đều hoảng sợ, bèn làm biểu tâu lên vương triều. Vua Thái Tông liền sai đình thần về lập miếu để phụng thờ, sai sứ mang sắc phong nguyên tự Thần hiệu.

- Nhất phong: “Lương Như Hộc linh thông cảm ứng Đại Vương".

Tặng phong: “Tế thế, hộ quốc, hiển hựu, nhân hậu Đại Vương Trung đẳng thần". Sắc cho phép trang Bông Lai phụng thờ. Kính thay!

Truyền rằng: Từ đó về sau, đều linh thiêng hiển ứng, nên được nhiều các bậc đế vương phong thêm mỹ tự, cho phép trang Bồng Lai phụng thờ, sắc phục màu vàng tía đều cấm khi hành lễ.

Đến thời Vua Lê Thế Tông, khởi nghĩa dẹp nhà Mạc (1573 - 1599), có công lao to lớn âm phù giúp Vua lấy được thiên hạ. Vua Thế Tông lại phong thêm: “Nhất vị linh ứng, anh triết, hiển hựu, trợ thuận Đại vương Trung đẳng thần". Sắc chỉ ban cho trang Bồng Lai trùng tu miếu điện để phụng thờ mãi mãi, không thể nào quên.

Do có công lao với đất nước, thành hoàng Lương Như Hộc đều được các triều đại phong kiến ban sắc ghi nhận công lao. Do năm tháng và chiến tranh, hiện nay tại đình Bồng Lai chỉ còn lưu giữ được 01 đạo sắc phong thời Nguyễn với nội dung như sau:

Sắc cho “Vị thần là thành hoàng nơi này linh thiêng phù giúp", xưa nay có công giúp nước, che chở cho dân, linh thiêng hiển ứng, đã được đội ơn ban tặng sắc lưu lại phụng thờ. Đến nay, kế thừa mệnh lớn, nghĩ đến công lao tôt đẹp của thần, được tặng thêm: “Vị thần có công giúp đỡ, bảo vệ thời Trung Hưng". Lại cho phép xã Bồng Lai, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương phụng thờ thần như trước, thần sẽ giúp đỡ, bảo vệ dân lành của ta. Kính thay!

Ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).

2. Chùa Bồng Lai

Như nhiều ngôi chùa tại các làng xã khác thuộc đồng bằng Bắc Bộ, chùa Bồng Lai là nơi thờ Phật theo Thiền phái Đại Thừa, Đại Thừa được ví như một cỗ xe lớn chở được nhiều người. Phái này chủ trương không câu nệ, cố chấp vào giáo lý, rộng rãi hơn trong việc thực hiện giáo luật, thu nạp tất cả những ai muốn quy y giác ngộ, thờ nhiều Phật, kể cả các vị Bồ Tát, Phái Đại Thừa phát triển lên phương Bắc như: Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên... nên còn gọi là Bắc Tông.

3. Lễ hội truyền thống

* Lễ hội chùa Bồng Lai

Cũng như những ngôi chùa ở miền Bắc, chùa Bồng Lai có đây đủ lễ tiết trong năm.

- Rằm tháng giêng hàng năm là ngày lễ đầu năm.

- Ngày 4 tháng 1 giỗ Đức Thánh ông.

- Mồng 3 tháng 3 giỗ Mẫu.

- Mồng 8 tháng 4 ngày Phật đản.

- Ngày 15 tháng 7 ngày lễ Vu Lan.

- Ngày 22/12 ngày chạp phật.

* Lễ hội đình Bồng Lai

Lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 6 đến mồng 10 tháng giêng âm lịch, trọng hội là mồng 10. Đây là lễ kỷ niệm ngày sinh của thành hoàng Lương Như Hộc. Xin nêu tóm tắt một số nét chính của lễ hội này:

- Ngày mùng 5 mở cửa đình, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp, chồng kiệu, bao sái đồ thờ, dọn dẹp đường làng ngõ xóm để phục vụ lễ hội.

- Ngày 6 tổ chức tế lễ. Lễ vật gồm có: Bánh chưng, bánh gai, bánh trắng, bánh phu thê, thịt lợn.

- Ngày 7, 8, 9 tổ chức tế lễ và các trò chơi dân gian.

- Ngày 10 là ngày trọng hội: Thôn Bồng Lai có 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc, bô lão, dân làng tập trung ra đình từ ngay sáng sớm chuẩn bị lễ vật, để rước từ đình ra xung quanh làng, sau đó rước trở về đình, tổ chức tế lễ. Đoàn rước có bát bửu, bát âm, long đình, kiệu bát cống đi thành hàng. Chiều tế giã đám, kết thúc lễ hội.

- Lễ vật có bánh chưng, bánh gai, bánh trắng, bánh phu thê, thịt lợn. Theo hương ước của làng thì mỗi giáp đều được chia ruộng công, để đến ngày lễ hội, các giáp phải có bánh chưng, bánh gai, bánh trắng, bánh phu thê, thịt lợn để lễ Thành hoàng làng. Trong những ngày lễ hội có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Vật, bắt vịt, đi cầu thùm, đập nồi đất, tối có hát chèo, hát tuồng, hát nhả tơ. Hoạt động lễ hội là sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu được của nhân dân địa phương.

Năm 1945 lễ hội đình Bồng Lai không được tổ chức do đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đến năm 1995 đến nay, lễ hội mới được mở trở lại, thời gian từ ngày mồng 9 đến ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch, hai năm tổ chức rước một lần vào năm lẻ. Lễ hội đình Bồng Lai đã tiếp thu nhiều yếu tố mới, hoạt động tín ngưỡng phù hợp với cuộc sống hiện đại.

IV. KHẢO TẢ DI TÍCH

1. Đình Bồng Lai

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu tại di tích, căn cứ vào quy mô kiến trúc, đặc biệt dòng lạc khoản trên câu đầu ghi rõ: “Hoàng triều Duy Tân nguyên niên quý Đông trung nguyên đại cát nhật thụ trụ" nghĩa là vào giờ tốt ngày rằm tháng chạp mùa Đông - Hoàng Triều Duy Tân nguyên niên (1907) dựng trụ thượng lương. Do vậy, chúng tôi cho rằng: Đình Bồng Lai là công trình tín ngưỡng có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ 19). Trải qua chiến tranh và mưa nắng xâm thực ngôi đình đã bị xuống cấp ít nhiều nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu khá nguyên vẹn. Trong thời kỳ kháng chiến đình là nơi đựng kho thóc của nhà nước và là nơi tổ chức các lớp học bình dân học vụ.

Di tích có kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung xây bít đốc. Đại bái và hậu cung cách nhau một khoảng sân lọng. Từ ngoài vào, toà đại bái 5 gian lợp ngói mũi. Kích thước nhà 13,2x 6,64 (m), gồm 6 vì kèo, Hai vì kèo gian trung tâm và hai vì kèo gian bên có kiến trúc kiểu “con chồng giá chiêng" truyền thống. Hai vì kèo áp tường lại có kiến trúc kiểu “kèo cầu trụ báng". Phía trước của mỗi vì kèo là các đầu bẩy hiên, bẩy hiên được luồn qua cột quân, đỡ xà nách, đồng thời phía ngoài đỡ hoành và tàu ngói. Hệ thống hoành được bố trí theo lối “thượng tam hạ tứ" chắc chắn. Các chỉ tiết của vì kèo khá đầy đủ bao gồm cột cái có chu vì 37cm, cột quân có chu vi 30cm. Liên kết giữa các vì kèo ở các gian là hệ thống xà quân, xà thượng. Các thanh xà đều được soi chỉ, tạo má chai bào nhẵn. Hệ thống rui, lá mái, tàu, gộp mái chắc chắn. Tại các xà nách, con thuận chạm lá lật. Chất liệu của di tích chủ yếu là gỗ lim, do vậy toà nhà đứng vững với thời gian.

Đáng chú ý là hệ thống bẩy hiên với những bức chạm “Lá hoá long" mềm mại, tinh tế, ần chứa tài hoa của các nghệ nhân dân gian đương thời.

Phân nề ngoã: Toạ lạc trên mảnh đất cao ráo, móng, tường xây bằng gạch chỉ, nền lát gạch, mái lợp ngói mũi truyền thống. Bờ nóc có bức phù điêu lưỡng long chầu nguyệt. Công trình khá chắc chắn.

Vượt qua khoảng sân lọng là hậu cung 3 gian, có chiều dài 9,2m và chiều rộng 8m, gồm 4 vì kèo liên kết với nhau. Kết cấu của các vì kèo khá đơn giản, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn đóng bén. Điều đặc biệt của toà nhà này là khoảng hiên khá rộng, tại đây có những bức chạm mang đậm phong cách nghệ thuật như “độc long", “cúc hoá long", “mai hoá long", “trúc hoá long" “lá hoá long"....Hoành, rui bằng gỗ tứ thiết, móng tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống.

* Bài trí thờ tự:

Như nhiều di tích khác, bài trí thờ tự đình Bồng Lai theo nguyên tắc chung cân đối.

Chính giữa đại bái là ban thờ công đồng, hai bên là bộ bát bửu, tàn lọng. Tiếp theo là hệ thống nhang án và các đồ tế tự, như: Bát hương, cây nến, mâm bồng.

Hai gian bên có hai bức đại tự.

Bức thứ nhất: “Hiển thánh từ" nghĩa là đền Thánh (linh thiêng) hiện rõ.

Bức thứ hai: “Vương môn động" nghĩa là động của Ngài là bậc Đại Vương.

Dọc thân cột cái gian trung tâm treo đôi câu đối:

Lê triều hộ quốc dân khang thịnh

Giáng phúc trừ tại cứu thế độ an dân.

Nghĩa là:

Triều Lê giúp nước, bảo vệ dân khoẻ mạnh, thịnh vượng

Bậc Thánh giáng xuống đền thiêng từ xưa tới nay.

Hai bên cột gian bên treo đôi câu đối:

Thiên cổ lưu truyền bảo gia môn khang thịnh

Giáng phúc trừ tai cứu thế độ an dân.

Nghĩa là:

Ngàn xưa luu truyền (bậc Thánh) bảo vệ mọi nhà an khang, thịnh vượng.

Giáng phúc, trừ tai ương, cứu đời, phù hộ giúp dân yên.

Khác với đại bái, bài trí thờ tự tại hậu cung được thể hiện khá trang nghiêm. Chính giữa là ngai và tượng thờ thành hoàng Lương Như Hộc (tượng mới công đức năm 2008). Đối xứng hai bên được bài trí đôi lục bình, cây nến, mâm bồng, bát hương...theo nguyên tắc cân đối tạo sự trang nghiêm.

2. Chùa Bồng Lai

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu tại di tích, căn cứ vào quy mô kiến trúc và ý kiến của các cụ cao niên trong làng thì chùa Bồng Lai xưa được xây dựng vào thời Nguyễn (TK19). Đây là một di tích lớn gồm nhiều hạng mục công trình khác nhau, trong đó có 5 gian tiền đường xây đao dĩ, 1 gian cổ giải, 4 gian hậu cung xây bít đốc, 7 gian nhà tổ, 3 gian nhà tăng và một gác chuông ở hướng Nam.

Hiện nay, 7 gian nhà tổ, 3 gian nhà tăng và gác chuông của chùa không còn do chiến tranh và do phong hoá bởi thời gian. Gác chuông được khôi phục lại vào năm 1994 và được trùng tu năm 2018 trên nền cũ và quay theo hướng Đông bằng nguồn vốn công đức của nhân dân địa phương và khách thập phương xa, gần.

Kiến trúc hiện nay của chùa kiểu chữ Đình gồm 3 gian 2 dĩ tiền đường, 1 gian cổ giải và 4 gian cậu cung. Mặt tiền quay về hướng Nam, phía Đông giáp đường, phía Bắc và phía Tây giáp khu dân cư. Di tích toạ lạc trên một khu đất bằng phẳng, thoáng rộng và có hướng phát triển tốt.

Năm gian tiền đường dài 13,9m, rộng 7,5m. Tại đây, 3 gian chính được các nghệ nhân dân gian kiến tạo 4 vì kèo theo kiểu “giá chiêng" truyền thống, hai vì kèo ở hai gian dĩ được hạ khoảng và liên kết với vì kèo ở gian chính bằng hệ thống xà đùi, kẻ góc, các con thuận, chặn mái...khá công phu. Hệ thống giằng dọc của toà tiền đường là các vì kèo, mỗi vì kèo có 2 cột cái, nối giữa cột cái và cột quân là hệ thống xã lách và các con thuận, trên đầu hai cột cái là câu đầu và hệ thống trụ, con thuận, con vành tạo thành kiến trúc kiểu “giá chiêng". Cùng với hệ thống xã là hệ thống hoành, với lối ghép “Thượng tứ, hạ ngũ" được bố trí trên mái hợp lý, nên kết cấu mái chắc chắn và phẳng. Mái lợp ngói mũi, tường xây gạch chỉ, bờ nóc được đắp nổi đề án “lưỡng long châu nguyệt". Hai đầu nhà được gắn lạc long, miệng ngậm bờ nóc, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Công trình không bị xuống cấp.

1 gian cổ giải và 4 gian hậu cung dài 9,3m, rộng 7m được nối liền với gian trung tâm toà tiền đường bằng hai xối tạo cho di tích có kiến trúc kiểu chữ Đình (J). Vì kèo tại gian cổ giải có kiến trúc kiểu “kèo cầu trụ báng". Điều đặc biệt, vì nách của vì kèo này một bên được kiến tạo một bức chạm “lá hóa long", một bên là các con thuận tạo cho không gian kiến trúc thêm sống động.

Tiếp sau gian cổ dải là 4 gian hậu cung, gồm 4 vì kèo. Vì thứ nhất, vì thứ hai và vì thứ 3 có kiến trúc giống nhau kiểu “kèo cầu trụ báng". Riêng vì kèo áp tường lại có kiến trúc kiểu vì ván mê. Tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Toàn bộ ngôi chùa còn khá vững chắc.

* Bài trí thờ tự tại chùa

Do yêu cầu thờ tự của thiên phái Đại Thừa, chùa Bồng Lai có các lớp tượng thờ từ trong ra ngoài. Tuy nhiên, bài trí tượng thờ ở đây có sự xáo trộn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tại tiền đường là 2 pho Hộ Pháp là thần Khuyến Thiện (bên trái), Thần Trừng Ác (bên phải). Hộ pháp tức là bảo hộ cho Phật pháp. Cả hai Hộ Pháp đều đi hia đen, tư thế đứng bảo vệ đối xứng nhau, đầu đội mũ trụ. Hộ Pháp là những vị Thần hộ trì canh gác cửa Phật và bảo vệ Phật pháp.

Bên cạnh hai pho Hộ Pháp còn có 02 pho tượng Đức Thánh Hiền (bên trái) và tượng Đức Ông (bên phải). Tượng Đức Thánh Hiền ngồi trên bệ vuông giật cấp, mặc áo cà sa, đầu đội mũ thất phật. Đức Thánh Hiền còn được gọi là Thánh Tăng. Theo sách Tượng khí thì bên phái Tiểu Thừa thờ một vị đại đệ tử của Phật là Kiều Trần Như hoặc Đại Ca Diếp. Theo sách, Thánh Tăng được thờ ở Tăng đường song ở đây được thờ tại Tiền Đường), Tượng Đức Ông mặc triều phục, đầu đội mũ cánh chuồn chéo (võ quan), tư thế ngồi trên bệ vuông giật cấp. Chân đi hia đen mũi cong có hoa cúc mãn khai. Theo Kinh Phật, Đức Ông chính là Cấp Cô Độc người giàu tâm đức đã hiến ruộng đất cho Thích Ca để hành đạo, sau này trở thành thân Thổ địa, được Phật giao cho cai quản tài sản của chùa. Ở Việt Nam có phong tục những đứa trẻ nào khó nuôi thường “bán khoán" cho chùa, tức là bán cho Đức Ông. Ngài nhận làm cha đỡ đầu.

Ngoài ra, ở hồi trái tiền đường là bộ tượng tam toà thánh Mẫu. Tiếp theo là hệ thống tượng thờ chùa Bồng Lai tập trung tại gian chính điện. Tại đây có 6 lớp tượng thờ được bài trí như sau:

- Lớp thứ nhất: Gồm 03 pho tượng Tam Thế: Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai, chất liệu gỗ. Về mặt tạo hình khá giống nhau, tư thế ngồi trên toà sen. Tam Thế là tổng hợp hết thảy chư phật ở đời, tức là chỉ chung cho các cõi Phật trong thời gian, cho nên để cao, xa bên trong, Kinh Phật cho rằng tương ứng với Tam Thế ở thời Hiện Tại là Phật Thích Ca, với Quá Khứ là Phật A Di Đà, với Tương Lai là Phật Di Lặc.

- Lớp thứ hai: Toà Cửu Long.

Toà Cửu Long được tạo hình nghệ thuật thành nhiều lớp tượng thờ khá sinh động. Giữa toà Cửu Long có tượng Thích Ca Sơ Sinh tạo hình một bé trai (hài nhi) đứng trên toà sen, 9 con rồng vây bọc chầu vào trên đầu và ba mặt sau lưng ngài, trên những đám mây có đủ chư Phật, chư thiên, thiên nữ, nhã nhạc, cờ phướn và bát bộ kim cương.

- Lớp thứ ba: Tượng A Di Đà.

A Di Đà Phật có nghĩa là vô lượng thọ (sống lâu vô cùng), cũng lại có ý nghĩa vô lượng quang (sáng suốt vô cùng). Theo giáo lý nhà phật thế giới mà con người đang sống là cõi sa bà, tức là uế thổ, cõi đất không trong sạch, nơi đây con người phải chịu nhiều khổ ải, phiền não. Về phía Tây cõi sa bà này, vượt qua hàng vạn, triệu thế giới gọi là cực lạc, dân gian hay gọi là Tây phương cực lạc, ở đấy Phật A Di Đà làm giáo chủ, đang thuyết pháp để hoá độ chúng sinh. Tượng ngồi trong tư thế toạ thiền hay thuyết pháp trên đài sen. Tóc xoáy ốc, đầu để lộ đỉnh, không đội mũ. Khuôn mặt đôn hậu, mắt nhìn xuống như đang suy tư.

- Lớp thứ tư: Tượng Thích Ca niêm hoa.

Tượng Thích Ca niêm hoa, diễn tả Thích Ca Mầu Ni đang thuyết pháp, ngài ngồi trên đài sen. Tượng để lộ viên đỉnh, mặc áo pháp, hở vai bên hữu, tay cầm hoa sen nên còn được gọi là “Thế tôn niệm hoa".

- Lớp thứ năm: Tượng Quan Âm Chuẩn Đề.

Tượng Quan Âm Chuẩn Đề tư thế ngồi xếp bằng trên toà sen, đây là ban thờ Đức Phật ở cõi Tây phương cực lạc chủ việc cứu độ chúng sinh. Tuy cõi cực lạc là cõi Phật song lại có duyên với cõi Sa Bà nên để gần ta hơn lớp Phật Tam Thế, Quan Âm Chuẩn Đề 12 tay, có khả năng cứu vớt chúng sinh thoát khỏi cõi Sa Bà.

- Lớp thứ sáu: Gồm 1 bộ 3 pho (từ trái sang phải) gồm: Bắc Đầu, Ngọc Hoàng và Nam Tào. Đây là ba vị thần của đạo giáo, có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam khá sớm đã cùng với Nho giáo, Phật giáo hoà đồng tạo thành ý thức hệ: "Tam giáo đồng nguyên" thời Lý - Trần (TK11 - 14) tồn tại tới ngày nay tại các chùa. Tượng Nam Tào chủ về dương, sinh. Tượng Bắc Đẩu chủ về âm, tử. Tượng Ngọc Hoàng là Vua Trời cai quản toàn bộ cõi Dục Giới.

Để không gian thờ tự thêm phần thiêng liêng, trang trọng, tại gian tiền đường và thượng điện được treo 04 bức đại tự và 05 đôi câu đối ca ngợi đạo pháp và đức Phật. Xin nêu nội dung một bức đại tự và một đôi câu đối. (Nội dung các bức đại tự và câu đối còn lại, xin xem trong tài liệu Hán nôm).

Đại tự: “Pháp Phật Tăng"

Nghĩa là:

Phật có đạo lý (phép tắc) và thầy tu.

Câu đối: Càn khôn lai tế độ

              Thánh hiền nguyện giáng lâm

Nghĩa là:

Phật che chở, bảo vệ rộng khắp trong trời đất

Bậc Thánh hiền giáng xuống bảo vệ cho thế gian.

V. HIỆN VẬT TẠI DI TÍCH

Mặc dù trải qua năm tháng và chiến tranh, song bằng lòng hảo tâm công đức và ý thức trân trọng bảo vệ di sản văn hoá của nhân dân, đến nay tai khu di tích còn lưu giữ được các hiện vât, cổ vật có giá trị lịch sử như sau:

1. Hiện vật ở đình

a) Chất liệu gỗ:

- Kiệu bát cống:                        1 bộ (TK 19)

b) Chất liệu gốm:

- Bát hương:                              1 cái (TK 19)

c) Chất liệu kim loại:

- Bát hương:                              1 cái (TK 19)

d) Chất liệu giấy:

- 1 sắc phong ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).

2. Hiện vật ở chùa

a) Chất liệu gỗ:

- Tượng Thích Ca niêm hoa:

- Tượng Khuyến thiện:

- Tượng Trừng ác:

- Tượng Tam tế :

- Tượng A di đà:

- Tượng Quan âm chuẩn đề:

- Tượng Ngọc hoàng:

- Tượng Bắc đầu:

- Tượng Nam tào:

1 pho (TK 19)

1 pho (mới)

1 pho (mới)

3 pho (mới)

1 pho (mới)

1 pho (mới)

1 pho (mới)

1 pho (mới)

1 pho (mới)

b) Chất liệu kim loại:

- Toà Cửu long:                         1 toà (TK 19)

- Chuông đồng:                         1 quả.

Niên hiệu: Tạo ngày thượng nguyên tháng chạp mùa Đông năm Tân Mão Hoàng triển Minh Mệnh thứ 12 (1831)

Kích thước: Cao 139cm, đường kính miệng 65,5cm.

VI. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ KHOA HỌC, NGHỆ THUẬT VÀ PHÂN LOẠI

DI TÍCH

Đình Bồng Lai tôn thờ thành hoàng làng là Lương Như Hộc - ông tổ của nghề khắc ván in mộc bắn, có công giúp vua Lê Thái Tông (1434 - 1442) hai lần đi sứ phương Bắc, giữ yên đất nước. Tiểu sử của ông đã được ghi trong thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự và trong tài liệu lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội. Chùa Bồng Lai là nơi thờ phật theo thiền phái Đại thừa. Bảo tồn di tích đình, chùa Bồng Lai góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đình và chùa Bồng Lai là các công trình mang phong cách thời Nguyễn và còn lưu giữ được nhiều bức chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao, lưu dấu tài hoa của các nghệ nhân dân gian. Hai khu di tích quy hoạch khá gọn gàng, có cảnh quan đẹp và có hướng phát triển trong tương lai.

Hiện tại, đình - chùa còn bảo tồn được một số hiện vật, cổ vật, trong đó có 1 quyển thần tích bằng chữ Hán, 1 đạo sắc phong thời Đồng Khánh thứ 2 (1887), 1 quả chuông....Đây chính là nguồn tư liệu chính xác phục vụ công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Từ nội dung giá trị nêu trên, UBND tỉnh Hải Dương đã xét duyệt và ra quyết định xếp hạng đình - chùa Bồng Lai là DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT vào năm 2009 theo quy định của Luật Di sản văn hoá của nhà nước công bố ngày 12/7/2001.

VII. TRẠNG THÁI BẢO QUẢN DI TÍCH

Đình Bồng Lai được khởi dựng vào thời Nguyễn. Công trình còn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu khá nguyên vẹn. Năm 1998, 2007, bằng sự đóng góp của nhân dân, một số hạng mục đã được tu sửa như thay hoành, lợp lại ngói, lát nền...làm cho di tích ngày một khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Năm 2014, bằng nguồn vốn xã hội hoá và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp trên, đình Bồng Lai đã tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích theo hướng dẫn và chỉ đạo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương. Hiện nay, toàn bộ công trình chắc chắn, không bị xuống cấp.

Chùa Bồng Lai được khởi dựng từ thời Nguyễn (thế kỷ 19), trải qua mưa nắng xâm thực, di tích không tránh được tình trạng xuống cấp ít nhiều nhất là nhà thượng điện.

Những năm gần đây, nhân dân địa phương vận động công đức tu bổ, tôn tạo di tích, ngăn chặn xâm thực tự nhiên, phát hiện kịp thời những điểm xung yếu mối mọt, đảm bảo an ninh trật tự không để xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật hoặc xâm phạm đất đai di tích.

- Năm 1994: Nhân dân công đức xây dựng gác chuông và sửa mái.

- Năm 2000: Nhân dân công đức lát nền.

- Năm 2018: Nhân dân công đức xây mới cổng tam quan gác chuông.

Hiện nay, cụm di tích đình - chùa Bồng Lai đã có ban quản lý di tích do UBND xã cử ra, các thành viên hoạt động tích cực, củng cố và điều hành tốt việc bảo vệ kiến thiết cũng như điều hành lễ hội. UBND xã cũng cử ra Ban bảo vệ và phát huy di tích đình và chùa để có người trông nom, bảo vệ các cổ vật, tài sản của di tích.

IX. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của cụm di tích đình - chùa Bồng Lai đã được phê duyệt, ban quản lý di tích thông báo công khai cho mọi người dân biết, đồng thời ra sức vận động quần chúng, tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh, đóng góp công sức, tiền của để khôi phục và tôn tạo các hạng mục công trình. Xây dựng di tích ngày một khang trang.

Chính quyền các cấp tiếp tục động viên quần chúng phát huy quyền làm chủ của mình trong lĩnh vực văn hoá, đồng thời xây dựng phương án tổ chức lễ hội, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân.

- Tiến hành xây dựng tường bao hoặc cắm mốc giới cho hai khu di tích, động viên nhân dân xung quanh khu di tích, không xây dựng các công trình làm ảnh hưởng đến di tích đã xếp hạng. Đồng thời lập dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho hai khu di tích trước mắt và lâu dài.

- Để thực hiện tốt việc bảo tồn di tích, địa phương cần có kế hoạch tuyên truyền Luật Di sản Văn hoá đã được nhà nước công bố ngày 23 tháng 7 năm 2013. Tuyên truyền ý nghĩa, mục đích bảo vệ di tích, từng bước xây dựng lễ hội phù hợp với quy định của nhà nước.




LÝ LỊCH DI TÍCH

ĐÌNH ĐỒNG BÌNH

XÃ NINH HẢI - HUYỆN NINH GIANG

TỈNH HẢI DƯƠNG


đình đồng bình.jpg

 

I. TÊN GỌI DI TÍCH

- Tên thường gọi: Đình Đồng Bình

Đình Đồng Bình là di tích lịch sử - văn hoá thuộc thôn Đồng Bình, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đình nằm tại thôn Đồng Bình, nên nhân dân địa phương lấy tên thôn đặt tên cho đình. Đình Đồng Bình gắn liền với tên thôn từ trong lịch sử.

II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ DI TÍCH, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN

1. Địa điểm phân bố di tích

Đình Đồng Bình nằm ở đầu thôn Đồng Bình, mặt tiền quay về hướng Đông Bắc. Phía Tây và phía Nam giáp khu dân cư.

Di tích toạ lạc trên một khu đất cao ráo, gần đường và là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

* Vài nét về lịch sử làng xã:

Thời Lý - Trần, Ninh Giang gọi là huyện Vĩnh Lại thuộc phủ Hạ Hồng. Năm 1800 có 11 tổng, 107 xã (thôn). Năm Minh Mạng 19 (1838), cắt ba tổng: Đông Am, Ngải Am, Thượng Am cùng một số xã ở Tứ Kỳ thành lập huyện Vĩnh Bảo. Cắt các xã Phù Tải từ huyện Thanh Miện và các tổng Thượng Am, Cổ Am, Đông Am từ huyện Vĩnh Bảo sáp nhập vào huyện Vĩnh Lại. Năm 1900 có 8 tổng, 74 xã, 41.080 nhân khẩu. Năm 1925 phủ Ninh Giang gồm 8 tổng với 74 xã. Vào đầu thế ký XIX, Đồng Bình là một thôn của xã Nhân Lý, thuộc tổng Xuyên Hử, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Tổng Xuyên Hử gồm 6 xã: Bồng Lai, Đông Cao, Hữu Chung, Nhân Lý, Tiền Liệt và Xuyên Hử.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, thực hiện sắc lệnh của Chính phủ cách mạng lâm thời về việc bỏ đơn vị hành chính cấp làng (xã), tổng và phủ để thành lập xã mới. Thôn Đồng Bình sáp nhập với thôn Bồng Lai và Nhân Lý thành một xã, lấy tên là Bồng Lý.

Tháng 10 năm 1948, để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ của cuộc kháng chiến hai xã Bồng Lý và Đông Xuyên hợp nhất với nhau thành một xã, lấy tên là Bình Xuyên. Lúc này, xã Bình Xuyên gồm 5 thôn: Bồng Lai, Nhân Lý, Đồng Bình, Xuyên Hử và Đông Cao.

Sau cải cách ruộng đất năm 1956, xã Bình Xuyên lại tách thành hai xã. Hai thôn Đông Cao và Xuyên Hử hợp nhất thành một xã, vẫn giữ nguyên tên cũ là Đông Xuyên. Còn các thôn: Đồng Bình, Bồng Lai và Nhân Lý hợp nhất là một xã, lấy tên Ninh Hải.

Tháng 4 năm 1979, huyện Ninh Giang và huyện Thanh Miện hợp nhất thành huyện Ninh Thanh, xã Ninh Hải thuộc huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng.

Tháng 4 năm 1996, huyện Ninh Thanh chia tách và tái lập huyện Ninh Giang và Thanh Miện, xã Ninh Hải thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương và tồn tại đến ngày nay.

Về vị trí địa lý xã Ninh Hải:

- Phía Đông giáp xã Tân Hương

- Phía Tây giáp xã Hồng Phong và Kiến Quốc

- Phía Nam giáp xã Hồng Dụ

- Phía Bắc giáp xã Đông Xuyên và Vạn Phúc

Xã Ninh Hải có diện tích tự nhiên là 544,28 ha, dân số 7505 người, riêng thôn Đồng Bình có diện tích 47 ha, dân số 1223 người, 338 hộ (tính đến tháng 05 năm 2023), trong đó có khoảng trên 600 người theo đạo Công giáo (tính đến tháng 05 năm 2023).

Trong quá trình tạo dựng quê hương, người dân Ninh Hải đã hun đúc nên những truyền thống lịch sử, văn hoá quý báu. Đó là những giá trị tinh thần và vật chất. Xưa kia thôn nào ở Ninh Hải cũng có đình, chùa, nhưng trải qua thời gian và chiến tranh, nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo đã bị tàn phá. Hiện nay, ở Ninh Hải các công trình còn lại là đình, chùa Bồng Lai (đã được xếp hạng cấp tỉnh năm 2009), nghè Bồng Lai (thôn Bồng Lai); nhà thờ giáo họ Đồng Bình, đình Đồng Bình, nghè Đồng Bình (thôn Đồng Bình); chùa Bụt Mọc, đình Nhân Lý (thôn Nhân Lý). Gần đây mới xây dựng chùa Đông Hải trên nền chùa cũ của thôn Đồng Bình.

Ninh Hải là một địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hoá, chính quyền và nhân dân địa phương đang từng bước giữ gìn, trùng tu, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của di tích, đáp ứng được cuộc sống tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân.

2. Đường đi đến di tích

Về thăm di tích đình Đồng Bình, du khách có thể xuất phát từ trung tâm thành phố Hải Dương theo hai tuyến đường:

Tuyến thứ nhất theo đường 17 đến ngã ba đường Vòng (Hải Tân - Thành phố Hải Dương) gặp đường 391 đi thẳng đến thị trấn Tứ Kỳ. Từ đây, rẽ phải qua cầu Vạn tới quốc lộ 37, đi tiếp 1km qua cầu Ràm, rẽ phải theo đường liên xã qua xã Tân Hương, Đông Xuyên là tới xã Ninh Hải, qua UBND xã khoảng 2 km là tới thôn Đồng Bình - nơi có di tích.

Tuyến thứ hai theo đường 17A từ Hải Dương đí qua thị trấn Gia Lộc về thị trấn Ninh Giang cách 3 km, rẽ phải theo đường 396 đến cầu Dầm. Từ đây, rẽ phải theo đường liên xã khoảng 4,5 km là đến thôn Đồng Bình - nơi có dị tích.

Cả hai tuyến đường đều phù hợp với mọi phương tiện giao thông phố biến như: Ô tô, xe máy.

II. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT ĐƯỢC THỜ VÀ CÁC THUỘC TÍNH CỦA DI TÍCH

- Nhân vật được thờ:

Căn cứ vào kết quả điền dã, nghiên cứu; Căn cứ vào hệ thống câu đối, đại tự, quyển thần tích bằng chữ hán do Hàn lâm Viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào mùa Xuân năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), nội các Bộ Lại tuân theo bản chính phụng viết vào tháng 8 mùa thu Hoàng triều Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) hiện lưu giữ tại di tích; Thần tích - thần sắc năm 1938 Viện thông tin khoa học xã hội, số ký hiệu TT-TS/FQ4018.../IX,32 và lưu truyền trong nhân dân cho biết: Đình Đồng Bình tôn thờ Thành hoàng làng là Đào Vinh Công có công giúp nhà Trần đánh giạc Nguyên Mông vào thế kỷ XI, đem lại thái bình cho đất nước. Thân thế và sự nghiệp của vị Thành hoàng làng được tóm tắt như sau:

Nước Việt xưa triều Trần Nhân Tông (huý Khâm) (1279 - 1293) - là con trưởng của Trần Thánh Tông Hoàng đế kế thừa ngôi báu, Cha truyền con nối đất nước đều bình an thịnh trị. Trong nước tu văn tích đức, ngoài biên cương cẩn mật canh phòng, hết lòng bảo vệ cho sự bình yên của đất nước. Bấy giờ, ở Phao Sơn (thuộc Trúc Thành, Vĩnh Lạc, Phả Lại) có người con gái họ Đào, tên là Hiển nương đang tuổi 18, phong tư yếu điệu, nhan sắc tuyệt trần, mắt phượng mày ngài, mặt hoa da phấn, môi đỏ như son, mười phần xuân sắc. Lương duyên chưa định mà thân mẫu đã qua đời. Nương vốn lấy nghề thương nghiệp để sinh nhai, Hôm đó, Nương ra tắm ở bến sông Lục Đầu, bỗng nhiên trời đất tối sấm, mây mù bốn phía, tự nhiên rồng rắn quấn quanh người Đào nương, Đào nương vô cùng hoáng sợ liền chạy lên bờ, lại thấy mưa to gió lớn, sóng xô dữ dội, sấm sét ầm ầm. Trong chốc lát, trời quang mây tạnh. Nương trở về nhà. Thật là kỳ lạ, từ đó Nương thấy mình có thai. Đến ngày 15 tháng 02 năm Nhâm Thìn, Nương sinh được một cậu con trai thiên tư kỳ dị, thể diện khôi ngô, khác hẳn người thường. Nương vô cùng yêu mến cho là “phúc hữu trùng lai", hẳn là trời ban cho vậy. Ngày qua tháng lại, Công đã được 3 tuổi, liền đặt tên là Vinh. Khi Vinh công lên 7 tuổi cho theo học bậc tiên sinh họ Trần. Đến năm Công 17 tuổi, thiên tư cao lớn, lực học tính thông, đọc thuộc binh thư, tài năng võ nghệ cao cường. Năm Công 19 tuổi, thân mẫu Đào thị tự nhiên không bệnh mà qua đời. Công chọn nơi đất tốt để an táng. Ba năm đoạn tang, lúc này có giặc Nguyên - Đại tướng Toa Đô và Ô Mã Nhi mang 15 vạn quân sang nước ta, giả bộ nói rằng mượn đường đánh Chiêm Thành, chia thành 5 đạo thuỷ bộ cũng tiến vào xâm lược nước ta. Binh thư cáo cấp báo về. Vua Trần Nhân Tông vô cùng lo lắng, liền hạ chiếu lệnh cho các bậc văn võ anh tài, anh hùng tài giỏi ở các đạo, châu, huyện dẫn quân đến triều đình nhận quan tước để tham gia đánh giặc. Ngay hôm đó, các đạo vừa nghe được lệnh của Nhân Tông Hoàng Đế truyền đến, lập tức văn võ khắp nơi về triều hội nghị. Lúc này, xứ Phao Sơn cũng dâng sớ tâu lên có Đào Vinh công tài năng võ nghệ siêu quần. Công lập tức chiêu mộ dân binh trong làng được hơn hai nghìn người, dẫn đến thành đô ứng tuyển. Nhân Tông tuyển chọn người tài thao lược, thấy Công văn võ toàn tài liền phong làm “Đô Nguyên soái Đại tướng quân", còn binh xĩ kết thành các đội.

Hôm đó, Nhân Tông liền hội đồng tướng sĩ và các quần thần để bàn kế đánh giặc. Trần Quốc Tuấn liền tâu rằng: “Bệ Hạ uy danh, ân đức bạn đến tận miền hải ngoại, nay nước phú binh cường. Và lại, lòng trời lắm phúc giáng xuống nhiều bậc anh tài như Trần Quang Khải, Đào Vinh Công, họ như bách thần Sông núi, thường năng xuất hiện, âm phù trợ giúp, bệ hạ hà tất phải lo gì! Thần xin giao phó cho hai Công dẫn binh trước tuần phòng các đạo, để làm chấn động quân thanh. Còn thần tuyển chọn tướng tài, như vậy giặc Nguyên không quá một ngày sẽ bị dẹp tan". Vua thấy vậy vô cùng mừng rỡ, liền phong cho Trần Quốc Tuấn làm “Hưng Đạo Vương", phong cho Trần Quang Khải làm “Tiết chế Thượng tướng quân", phong Đào Vinh công làm “Đô thống chế Thượng tướng quân", Bấy giờ, Vua uỷ phó cho Vinh công dẫn hơn hai nghìn quân kiêm thuỷ bộ đi trước tuần phòng đạo Hải Dương. Ngay hôm đó, Công bái tạ trước Vua và dẫn hơn hai nghìn quân tiến trước. Trên đường tiến quân, tinh kỳ rợp đất, trên thuyền bè chiêng trống dậy trời. Hai ngày đêm đến trại Đồng Bình, trang Nhân Lý, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương (xưa gọi là Hồng Châu, tục gọi là Doanh Dậu) thì trú quân tại đó. Sáng hôm sau, Công thấy thế đất một vùng sông núi bao quanh, rồng quỳ hổ phục, núi không cao nhưng sơn thuỷ hữu tình, sông Hồng bao bọc càng tôn thêm phong cảnh đẹp để phong quang. Ngay hôm đó, Công truyền cho binh sĩ cùng nhân dân trong trại xây dựng một doanh đồn để ứng phó với Nguyên binh. Lúc này, phụ lão nhân dân trại Đồng Bình ai nấy đều kính ngạc, liền hành lễ xin làm gia thần tôi con. Công bằng lòng, tuyển chọn được 10 người trong trại làm gia thần. Thế là, phụ lão gia thần đều tâu rằng: “Người lấy uy đức quy phục thì nhân dân đều được an nghiệp. Nhân đây, nay xây dựng làm đồn, ngày sau làm nơi phụng thờ", Công bằng lòng, bèn nói với phụ lão gia thần: “Trại các Ngươi có hậu phúc coi trọng ta, ta để mệnh lại vạn năm sau trại các Ngươi phụng thờ". Liền bạn cho phụ lão, gia thần hoàng kim (vàng) hai (02) hốt để mua ruộng đất ngày sau tế tự. Ngay hôm đó, Công truyền cho thiết yến mời nhân dân phụ lão, gia thần các trang, khu, trại đến dự yến tiệc. Sáng hôm sau, thấy sứ phụng mệnh Vua mang chiếu thư vời Công về kinh đô để cùng các tướng sĩ hội bàn kế đánh giặc Nguyên. Ngay hôm đó, Công liền dẫn binh trở về kinh đô cùng Hưng Đạo Vương và các tướng hội nghị. Vua liền uỷ phó cho các tướng phân đường tiến quân đánh giặc. Công cùng các tướng lãnh binh dẫn theo các ngả. Một đạo đề binh tiến đến ải Chi Lăng, một đạo tiến đến đồn Vạn Kiếp, đồn Chương Dương cùng quyết chiến với giặc Nguyên một trận. Đuổi giặc đến tận sông Bạch Đằng, chém được tướng giặc Toa Đô và Ô Mã Nhi, những tên sống sót chết chìm không sao kể xiết. Thấy giặc chất thành núi, máu chảy thành sông. Quân ta thu được vũ khí, binh lương nhiều vô kể. Quân Nguyên thất bại nặng nề, Từ đó, thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Hưng Đạo Vương liền hành biểu tâu lên Nhân Tông Hoàng Đế, Hoàng Đế liền ban chiếu vời Công về triều mở tiệc lớn chúc mừng. Ban thưởng cho các tướng sĩ theo từng thứ bậc. Vua cho phép vương công được hưởng thực ấp ở đạo Hải Dương. Ngay hôm đó, Công bái tạ vua trở về cố hương, giết trâu bò lợn thiết yến bái yết thiên địa bách thần, mời phụ lão gia thần các trang khu đến dự yến tiệc. Hôm sau, Công về nơi được hưởng thực ấp ở đạo Hải Dương. Công xuống thuyền rồng về đến sông Lục Đầu thì bỗng nhiên trời nổi cơn giông tố. Một đám mây vàng như hình giải lụa từ trên trời bay thẳng xuống thuyền, rồi thuyền từ từ chìm hẳn (hôm đó là ngày15 tháng 8) Công hoá (chết). Trong khoảnh khắc, mưa gió mịt mù, sóng xô dữ dội, giao long, thuồng luồng, ba ba đều nổi lên mặt nước. Một lúc sau, trời quang mây tạnh, sĩ tốt nhân dân gia thần đều lấy làm kinh ngạc, liền hành biểu tâu lên Nhân Tông Hoàng đế. Vua sai lập miếu để phụng thờ, lại sai sứ sắc phong nguyên phụng thờ thần hiệu.

Nhất phong “Đào Vinh công hiển ứng Đại vương". Tặng phong “Tế thế, hộ quốc, khang dân, phù tộ bản cảnh, hiển hựu, hùng kiệt, anh linh Đại vương thượng đẳng Thần" - (Vị thần bậc thượng đẳng là bậc Đại vương anh hùng, tài giỏi, tốt đẹp, linh thiêng, có công che chở cho thế gian, giúp nước, giữ dân khỏe mạnh, bảo vệ xóm làng bình yên, linh thiêng hiển ứng).

Vua lại cho phép khu Đồng Bình, trang Nhân Lý phụng thờ ngài mãi mãi. Truyền rằng: Từ đó về sau, ngài đều linh thiêng hiển ứng, cho nên trải qua các triều đại đều được các bậc đế vương phong thêm mỹ tự, cho phép khu Đồng Bình, trang Nhân Lý phụng thờ mãi mãi.               Kính thay!

Đến triều Trần Dụ Tông (1341 - 1369) thấy ngài có công lao to lớn đối với triều Trần, liền phong thêm mỹ tự “Nhất vị linh ứng, anh triết, hiển hựu, trợ thuận Đại vương" - (Một vị Đại vương linh thiêng hiển ứng, thông minh, sáng suốt, tài giỏi, hiện lên phù giúp mọi việc thuận lợi theo ý nguyện). Lại cho phép khu Đồng Bình, trang Nhân Lý phụng thờ ngài mãi mãi.

Đến thời Lê Thái Tổ (1428 - 1433), khởi nghĩa dẹp giặc Minh - Liễu Thăng, lấy được thiên hạ. Thái Tổ lại phong thêm mỹ tự. “Nhất vị phổ tế, cương nghị, anh linh, hùng kiệt Đại vương" - (Một vị Đại vương che chở rộng khắp, cứu giúp muôn nơi, cứng rắn, nghị lực, anh hùng, tài giỏi, linh thiêng hiển ứng). Sắc chỉ ban cho khu Đồng Bình, trang Nhân Lý trùng tu miếu điện đề phụng thờ mãi về sau.

Phụng khai sinh hoá tịch các tiết cùng chữ huý như sau: Nhất thiết cấm kỵ chữ “Vinh". Cho phép khu Đồng Bình phụng thờ việc tế tự.

Nhất sinh Thần ngày 15 tháng 02, chính lệ lễ dùng thượng bàn chay, hạ bàn thịt lợn đen, xôi, rượu, ca hát 3 ngày.

Nhất hoá thần (chết) ngày 15 tháng 8 chính lệ lễ dùng thượng bàn như trước, hạ bàn có thể thịt trâu, lợn, xôi, rượu, bánh dầy.

Về sau phụ lão thôn Đồng Bình, xã Nhân Lý, tổng Xuyên Hử, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang phụng khai là:

Ngoài 3 đạo sắc do Trần Nhân Tông, Trần Dụ Tông, Lê Thái Tổ (đã phong ở trên), còn có sắc phong của triều Nguyễn:

- Đồng Khánh phong “Dực Bảo Trung Hưng".

- Duy Tân cho phép thôn thờ như trước.

Do có công lao với đất nước nên Thành hoàng Đào Vinh Công được các triều đại phong kiến ban sắc ghi nhận công lao. Hiện nay, tại đình Đồng Bình hiện chỉ còn lưu giữ được một đạo sắc phong thời Nguyễn, đó là:

Sắc cho thôn Đồng Bình, xã Nhân Lý, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương phụng thờ “Trần triều Nguyên soái Đại tướng quân Đào Vinh công tôn thần" - (Vị Thần tôn kính Đào Vinh công là Nguyên soái Đại tướng quân triều Trần), có công giúp nước, che chở cho dân, linh thiêng hiển ứng. Đến nay, đúng dịp Trẫm vừa tròn 40 tuổi, lễ lớn chúc mùng, từng ban cho chiếu báu, ban ân rộng rãi, lễ long trọng có phong tước vị. Nổi tiếng được phong là: “Đoan túc dực bảo Trung Hưng tôn Thần" - (Vị Thần tôn kính ngay thẳng, cung kính có công giúp đỡ bảo vệ thời Trung Hưng). Cho phép xã phụng thờ thần như tước, thần sẽ giúp đỡ bảo vệ dân lành của ta.            Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)

 Đình Đồng Bình không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng mà trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương:

- Là địa điểm hội họp của bộ đội, công an, dân công, du kích của huyện và địa phương,

- Là nơi mở lớp học của trường cấp I xã Ninh Hải.

2. Phong tục lễ hội

Dưới thời phong kiến, hàng năm tại đình Đồng Bình có các ngày lễ, hội như sau:

+ Ngày 15 tháng giêng âm lịch: Lễ thượng nguyên (lễ cầu mát)

+ Ngày 15 tháng hai âm lịch: Kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng làng Đào Vinh Công. Diễn ra trong hai ngày từ ngày 14 đến ngày 15. Ngày 14 sửa soạn, bao sái đồ thờ, chồng kiệu, dọn dẹp đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp. Chiều làm lễ cáo yết (còn được gọi là lễ trình) xin mở lễ hội. Sáng ngày 15, tổ chức tế. Tế 3 tuần rượu. Những người được dự tế phải mặc áo thụng màu lam. Lễ vật gồm có: Lợn, gà, xôi, rượu, hoa quả.

Làng xưa có hai giáp: Giáp Trong và giáp Ngoài. Theo hương ước của làng các giáp đều được giao ruộng công để đến ngày lễ hội, các giáp phải chuẩn bị lề vật gồm lợn, gà, xôi, rượu, hoa quả ra lễ Thành hoàng, sau chia lộc cho các hộ trong giáp.

+ Ngày 15 tháng tám âm lịch: Kỷ niệm ngày mất của Thành hoàng làng Đào Vinh Công. Diễn ra trong hai ngày từ ngày 14 đến ngày 15, hình thức tổ chức lễ hội cũng giống như tháng hai.

Ngày nay, lễ hội đình làng Đồng Bình vẫn được tổ chức và duy trì các ngày lễ, lễ hội như trước nhưng hình thức có phần đơn giản hơn nhưng cũng đáp ứng được cuộc sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.

IV. KHẢO TẢ DI TÍCH

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã tại di tích, căn cứ vào hệ thống câu đối, đại tự, thần tích - thần sắc, các tài liệu có liên quan và lưu truyền trong nhân dân cho biết: Đình Đồng Bình được xây dựng từ khá sớm, ở gần bờ sông Dầm, lúc đầu các công trình còn đơn sơ, chất liệu chủ yếu bằng tre nứa, mái lợp rạ. Sau có giặc Cống Chỉnh, dân làng mới chuyển ngôi đình về vị trí như hiện nay.

Công trình hiện nay nằm ở giữa thôn Đồng Bình, mang phong cách thời Nguyễn, là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm 1948. Trên câu đầu của toà đại bái có khắc dòng chữ Hán ghi rõ về điều này như sau: “Việt Nam dân chủ cộng hoà tự do hạnh phúc tứ niên trùng tu tuế thứ Mậu Tý trọng Đông cát nhật lương thời thụ trụ thượng lương" nghĩa là Việt Nam dân chủ cộng hoà tự do hạnh phúc năm thứ 4 (1948), giờ tốt ngày lành tháng 11 giữa mùa Đông năm Mậu Tý trùng tu dựng trụ thượng lương rất tốt đẹp. Công trình hiện nay có kiến trúc kiểu chữ Định (J) gồm 3 gian đại bái và 2 gian hầu cung, quy mô không lớn song kết cấu tương đối đồng bộ.

Kết cấu chính của phần mộc là các vì kèo, hệ thống xà và các con thuận. Ba gian đại bái dài 9,3m, rộng 4,95m gồm 4 vì kèo, các vì kèo này có kiến trúc giống nhau, kiểu “con chồng giá chiêng" truyền thống. Các chí tiết mộc trên 4 vì kèo có kích thước nhỏ: cột cái có đường kính 0,22m, cao 3,48m; cột quân 0.2mm, cao 2,72m, câu đầu, trụ, các con thuận đều có kích thước nhỏ. Bốn vì kèo là hệ thống giằng ngang của toàn bộ công trình. Mỗi vì kèo bao gồm các chi tiết: Bẩy hiên, cột quân, xà nách, con thuận 1 khoảng, 2 khoảng, 3 khoảng, cột cái, đầu dư, câu đầu, trụ đấu, con vành... đều được các nghệ nhân tạo dựng kỹ càng, hệ thống các mang mộng bén khít, không bị xô lệch. Ngoài hệ thống giằng ngang, đại bái còn có hệ thống giằng dọc, liên kết các vì kèo, đó là hệ thống tàu, lá mái, xà thượng, xà hạ, gộp mái... Đặc biệt hệ thống hoành được bài trí theo lối “Thượng tam hạ tứ" khá chắc chắn. Thượng lương chắc khoẻ và được soi chỉ kép nghệ thuật. Chất liệu của công trình chủ yếu là gỗ tứ thiết còn tốt.

Tại toà đại bái đình Đồng Bình còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật. Như dãy bẩy hiên chạm các bức lá hóa long. Trên các xà nách, trụ đấu, con thuận 1 khoảng, 2 khoảng, 3 khoảng, giường bụng lợn chạm lá hóa long và lá lật. Các đầu dư ở vì hai vì kèo gian trung tâm chạm rồng, miệng ngậm viên ngọc mang phong cách thời Nguyễn. Và cũng tại vì nách của hai vì kèo này có hai bức chạm liên hoàn cả hai mặt, một mặt chạm lá hoá long, một mặt chạm độc long. Thông qua các bức chạm khác này, chúng ta thấy được sự sáng tạo trong nghệ thuật truyền thống mà ông cha ta để lại. Đó là những tiêu bản quí giúp chúng ta khôi phục các công trình cùng thời.

Móng tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói vảy cá truyền thống. Bờ nóc được đắp phù điêu lưỡng long chầu nguyệt. Bờ cánh mềm mại.

Nối liền toà đại bái là tòa hậu cung 2 gian, dài 3,4m; rộng 4,2m, gồm 3 vì kèo. Vì thứ nhất có kiến trúc kiểu con chồng thước thợ, tại vì nách có hai bức chạm lá hóa long. Vì thứ hai được kiến tạo một bức chạm theo đề tài lưỡng long chầu nguyệt, vừa có tác dụng đỡ tàu mái, thay thế các chi tiết như rường bụng lợn, đấu kê...vừa tạo cho không gian kiến trúc thêm sống động. Vì thứ ba có kiến trúc kiểu kèo cầu trụ báng. Móng, tường xây bằng gạch chỉ. Mái lợp ngói vảy cá truyền thống.

* Bài trí thờ tự trong di tích

Bài trí thờ tự tại đình Đồng Bình theo nguyên tắc cân đối, trang trọng. Chính giữa đại bái là ban thờ công đồng. Phía trên là bức đại tự gồm 4 chữ Hán:

- Phiên âm; Thượng đẳng thần

- Dịch nghĩa: Vị Thần ở trên cao nhất.

Hai bên cột chính gắn đôi câu đối:

- Phiên âm:    Ức niên sơn thuỷ chầu vương khuyết.

                      Vạn đại yquan bái đế đình.

- Dịch nghĩa: Ngàn vạn năm non nước bao quanh cung vua.

                      Muôn thuở áo mũ quan bái trước sân đế.

Tiếp theo là hậu cung, trên cùng là ngai và bài vị thờ Thành hoàng Nguyễn Vinh Công, phía dưới là các đồ thờ tự như bát hương, đèn nến...

V. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH

Hiện nay, tại đình Đồng Bình còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như:

1. Chất liệu gỗ:

- Ngai thờ:                         1 cái thời Nguyễn (TK XIX)

- Long đình:                      1 cái thời Nguyễn (TK XIX)

- Bài vị:                             1 cái thời Nguyễn (TK XIX)

- Bộ chấp kích:                 1 bộ (8 cái) thời Nguyễn (TK XIX)

2. Chất liệu giấy:

- 1 quyển thần tích bằng chữ hán do Hàn lâm Viện Đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572).

- 1 sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

3. Chát liệu đá:

- Bát hương: 2 cái thời Nguyễn (TK XIX)

VI. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, KHOA HỌC VÀ PHẦN LOẠI DI TÍCH

Đình Đồng Bình là nơi tôn thờ Thành hoàng làng Đào Vinh Công. Có công giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII, đem lại thái bình cho đất nước. Nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của vị Thành hoàng giúp chúng ta hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử oanh liệt với những chiến công hiển hách của thời Trần với ba lần đại thắng quân Nguyên xâm lược đồng thời thiết thực đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu quê tường, đất nước cho cán bộ, nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại dí tích đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương.

Đình Đồng Bình hiện còn lưu giữ được một số mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao. Thông qua quy mô công trình, giúp ta hiểu thêm kiến trúc truyền thống, sự tinh tế trong trang trí, hợp lý trong kết cấu. Công trình còn tồn tại đến ngày nay, là tiêu bản quý để khôi phục, tôn tạo, trùng tu các di tích cùng thời.

Hiện nay, di tích còn lưu giữ được một số cổ vật có chất liệu gỗ và giấy. Đặc biệt là một bản thần tích bằng chữ Hán và 1 sắc phong vào năm Khải Định thứ 9 (1924). Các cổ vật này không chỉ có giá trị về niên đại mà nó còn có giá trị về mặt văn bản, giúp chúng ta nghiên cứu lịch sử Việt Nam và chế độ phong kiến Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu quý về lịch sử di tích cũng như địa phương cần được bảo tồn, nghiên cứu lâu dài.

Xuất phát từ những nội dung giá trị nêu trên đình Đồng Bình, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương được xếp hạng di tích cấp tỉnh thuộc loại: DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT.

VI. TRẠNG THÁI BẢO QUẢN DI TÍCH

Đình Đồng Bình được trùng tu vào các năm 1948, 1981, 1993 và những năm gần đây là năm 2019 tu bổ lại đình làng và xây mới Nghi môn, công trình không lớn song kết cấu tương đối đồng bộ, nhìn chung các hạng mục còn khá bền vững. Tuy nhiên, do thời gian và mưa nắng nên di tích không tránh khỏi xuống cấp ít nhiều.

Hiện tại, di tích đã có Ban quản lý gồm 20 người, do đồng cgis Đào Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Ban quản lý có trách nhiệm phân công người trông nom di tích ngày đêm và hướng dẫn cho nhân dân sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh, thực hiện đúng chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ban hành. Vào những kỳ lễ hội truyền thống, Ban quản lý di tích có trách nhiệm báo cáo với Đảng uỷ, UBND xã và cơ quan chức năng theo quy định.

VIII. CÁC PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH

- Củng cố Ban quản lý di tích, tiếp tục động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ trong lĩnh vực văn hoá, đồng thời xây dựng phương án tổ chức lễ hội, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

- Thực hiện việc khoanh vùng di tích, quy hoạch tổng thể, lập dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho di tích trước mắt cũng như lâu dài. Để thực hiện tốt viêc truyền truyền Luật Di sản văn hoá đã được nhà nước công bố ngày 23 tháng 7 năm 2013, giáo dục toàn dân có ý thức bảo vệ di sản văn hoá dân tộc, tiếp tục tu sửa di tích ngày một khang trang.