Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Ninh Hải - Huyện Ninh Giang

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Xã Ninh Hải

​KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ, VĂN HOÁ CON NGƯỜI NINH HẢI


Nằm ở phía Nam tỉnh Hải Dương, cách trung tâm huyện Ninh Giang 7km theo hướng Tây Bắc là miền quê hiền hòa mang tên xã Ninh Hải. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, gắn liền với tiến trình lịch sử của dân tộc, với truyền thống giàu lòng yêu nước, cần cù sáng tạo trong lao động, đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch họa, Nhân dân Ninh Hải từng bước vươn lên trong khó khăn, thử thách, để xây dựng và bảo vệ những thành quả mà các thế hệ trước đạt được, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Vốn là miền quê giàu truyền thống đấu tranh yêu nước nhưng, từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trực tiếp là Chi bộ Đảng xã Bồng Lý - tiền thân của Chi bộ - Đảng bộ xã Ninh Hải, Nhân dân Ninh Hải tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông đồng thời phát triển từng bước về công tác tổ chức lực lượng và phương pháp đấu tranh cách mạng, đồng tâm chung sức, kiên cường chiến đấu cùng Nhân dân cả nước lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975). Nước nhà thống nhất, bước vào thời kỳ tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân xã Ninh Hải vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, nắm bắt cơ hội, cùng với Nhân dân cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Song song với quá trình này, Đảng bộ và Nhân dân xã Ninh Hải đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

I. Vùng đất Ninh Hải

Ninh Hải là một xã phía Tây Bắc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, cách thị trấn Ninh Giang khoảng 7km. Phía Đông xã Ninh Hải giáp xã Hồng Dụ và xã Tân Hương qua con sông Dầm, phía Nam giáp xã Hồng Dụ và Hồng Phong, phía Tây giáp xã Kiến Quốc, phía Bắc giáp xã Đông Xuyên.

Thuở xa xưa, vùng đất (nay là địa bàn xã Ninh Hải) là một vùng trũng hoang sơ, lau lách rậm rạp và là nơi trú ngụ của chim thú. Theo thời gian, nơi đây dần được bồi tụ thành những khu đất màu mỡ đã thu hút cư dân đến khai hoang và cư trú. Tuy không có tư liệu lịch sử thành văn, văn bản xác định rõ thời gian, như theo tương truyền và gia phả của một số dòng họ trong xã, cách đây khoảng gần một nghìn năm có một số gia đình thuộc dòng họ Lê Đình từ làng Trịnh Thử, huyện Bình Giang và dòng họ Nguyễn Tuấn ở làng Hưng Lạp, huyện Thụy Ninh, tỉnh Thái Bình về đây khai hoang, sinh cơ lập nghiệp. Tiếp đó là các dòng họ: Phạm, Đào, Nguyễn, Vũ, Trịnh, Đồng, Đinh, Bùi, Hà, Chu, Đỗ... từ nhiều nơi cũng lần lượt đến định cư tại địa phương. Họ đã cùng nhau khai phá đất đai, chống chọi thiên tai, thú dữ lập lên các trại ấp.

Các trại, ấp ngày càng đông đúc hình thành lên 3 làng: Đồng Bình (同平), Bồng Lai (蓬萊) và Nhân Lý (仁里). Làng Bồng Lai, tên Nôm là Bồng Tang hay Bồng Lý; làng Nhân Lý còn gọi là làng Sẻ.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, 3 làng: Đồng Bình, Bồng Lai và Nhân Lý, mỗi làng là một đơn vị hành chính độc lập, có bộ máy chính quyền như một xã ngày nay. Làng Bồng Lai có 110 hộ gồm 512 nhân khẩu, làng Nhân Lý có 36 hộ, 117 nhân khẩu, làng Đồng Bình chỉ có 27 hộ, 105 nhân khẩu. Cả 3 làng đều thuộc tổng Xuyên Hử, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Sau tháng 8/1945, Chính phủ lâm thời quyết định xóa bỏ đơn vị hành chính cấp làng, tổng, phủ của chế độ cũ, thành lập các xã và huyện mới. Thực hiện Thông tư số 17-PHC, ngày 11/01/1946 của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ về sáp nhập các xã thành 1 Hội đồng nhân dân và bầu cử Hội đồng nhân dân khóa I xong trước ngày 28/02/1946, trong tháng 02/1946, 3 làng Bồng Lai, Nhân Lý, Đồng Bình sát nhập thành 1 xã, lấy tên là xã Bồng Lý, thuộc huyện Ninh Giang. Cũng từ đây các làng cũ gọi là thôn. Đây là đợt tách, sáp nhập đầu tiên trên địa bàn xã kể từ sau ngày giải phóng.

Đứng trước âm mưu bình định chiếm đóng của giặc Pháp, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến và để thuận tiện cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tháng 10/1948, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Hải Dương quyết định sáp nhập 2 xã Bồng Lý và Đông Xuyên thành một xã, đặt tên là xã Bình Xuyên gồm 5 thôn: Bồng Lai, Nhân Lý, Đồng Bình, Xuyên Hử, Đông Cao.

Đến giữa năm 1956, xã Bình Xuyên chia tách. Hai thôn Đông Cao và Xuyên Hử thành một xã vẫn giữ nguyên tên cũ là xã Đông Xuyên. Còn các thôn: Đồng Bình, Bồng Lai, Nhân Lý thành lập một xã, lấy tên là xã Ninh Hải.

Ngày 16/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 “Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương". Theo đó, từ 01/12/2019, huyện Ninh Giang sáp nhập xã Hồng Thái vào xã Hồng Dụ; xã Ninh Thành vào xã Tân Hương; xã Hưng Thái vào xã Hưng Long; xã Văn Giang vào xã Văn Hội; các xã Ninh Hòa, Quyết Thắng vào xã Ứng Hòe; các xã Hoàng Hanh, Quang Hưng vào xã Tân Quang. Từ thời điểm này, huyện Ninh Giang gồm 1 thị trấn là thị trấn Ninh Giang và 19 xã: An Đức, Đồng Tâm, Đông Xuyên, Hiệp Lực, Hồng Dụ, Hồng Đức, Hồng Phong, Hồng Phúc, Hưng Long, Kiến Quốc, Nghĩa An, Ninh Hải, Tân Hương, Tân Phong, Tân Quang, Ứng Hòe, Văn Hội, Vạn Phúc, Vĩnh Hòa.

Đến năm 2020, xã Ninh Hải có tổng diện tích tự nhiên là 544,28ha (trong đó diện tích canh tác là 375,5ha, diện tích đất thổ cư là 61ha, diện tích đất phi nông nghiệp là 107,78ha) với 2.283 hộ, 6.919 nhân khẩu (chiếm 0,36% dân số toàn tỉnh, 4,68% dân số huyện Ninh Giang năm 2020) sinh sống tại 3 thôn Đồng Bình, Bồng Lai và Nhân Lý. Mật độ dân số ở Ninh Hải đạt 1.271 người/km2 (cao hơn mật độ đân số bình quân của huyện năm 2020 là 1.084,45 người/km2). Trong đó, nhân khẩu thôn Bồng Lai chiếm số lượng đông nhất.

Vùng đất Ninh Hải do phù sa sông Luộc bồi tụ nên khá màu mỡ. Xã có sông Dầm - một nhánh của sông Luộc - chạy qua, cùng với hệ thống mương, ngòi, lạch, đầm, ao, hồ phong phú, thuận tiện cho Nhân dân địa phương canh tác, sinh hoạt. Tuy lưu vực sông Dầm không lớn, nhưng trước đây do đường bộ còn nhỏ hẹp, phương tiện cơ giới hạn chế, những chuyến bè, thuyền, cầu qua sông Dầm góp phần quan trọng trong việc vận chuyển và đi lại của Nhân dân trong xã.

Cơ sở hạ tầng giao thông của Ninh Hải tương đối hoàn thiện và đồng bộ qua nhiều giai đoạn xây dựng và cải tạo. Thời phong kiến, giữa các làng chỉ có đường cái quan đi Đông Xuyên - Hồng Phong về phủ lỵ Ninh Giang. Đường làng ngõ xóm nhỏ hẹp, lầy lội, việc đi lại hết sức khó khăn. Từ những năm 1990, khi các con đường liên thôn, liên xã được cải tạo mở rộng, rải đá, lát gạch, đổ bê tông, việc đi lại, giao lưu kinh tế của Nhân dân địa phương đã có nhiều thuận lợi, xe cơ giới trọng tải 5 - 7 tấn từ Ninh Hải đi các nơi khác dễ dàng. Hiện nay, nằm trong quy hoạch giao thông chung của tỉnh Hải Dương, Ninh Hải có gần 3,9km Tỉnh lộ 396 chạy qua, thuận tiện cho việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội nhất là phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2020, 100% đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa.

Hạ tầng cơ sở khá khang trang, kiên cố về kỹ thuật, đẹp về mỹ thuật như trụ sở làm việc của Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân xã, trường Trung học cơ sở, trường Tiểu học, trường Mầm non, nghĩa trang liệt sĩ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tình hình hoạt động của các tổ chức hệ thống chính trị cơ sở và tình hình an ninh trật tự - xã hội trên địa bàn xã khá ổn định.

Là một xã thuần nông, hoạt động sản xuất chủ yếu của cư dân Ninh Hải là canh tác nông nghiệp. Quá trình tụ cư và mở rộng làng là quá trình Nhân dân trong xã tiến hành khai phá, cải tạo đất đai, để trồng lúa nước. Để hạn chế lũ lụt, Nhân dân 3 làng cùng nhau đắp đê sông Dầm, sông cầu Hét đi Xuyên Hử; đắp đập ngã ba Rách, đập Bói, ngăn sông Đào. Tuy nhiên, trong thời kỳ phong kiến, trình độ canh tác của nông dân còn thủ công và lạc hậu. Việc làm đất phụ thuộc nhiều vào sức kéo của đại gia súc như: trâu, bò, nhiều gia đình nghèo không có tiền tậu trâu phải cuốc đất bằng tay hoặc kéo cày, bừa. Mặt khác, các làng không có công trình thủy lợi, không có máy móc, việc tưới nước vào ruộng phải dùng gầu Giai, gầu sòng, có ruộng phải tát hai, ba bậc, nên những năm nắng hạn kéo dài không có nước để cày cấy, nhất là vào vụ chiêm. Còn về vụ mùa, nước ngập gần hết khu chiêm trũng, cảnh “chiêm khê, mùa thối" thường xuyên xảy ra. Do kỹ thuật canh tác lạc hậu, phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên, nên năng suất lúa còn thấp, bình quân 50kg/1 sào Bắc bộ (tương đương 1,389 tấn/ha), tổng sản lượng lúa hằng năm của 3 làng bình quân trên 700 tấn. Sau cây lúa là cây màu, các giống cây như: khoai lang, ngô, đỗ, lạc, vừng... thu hoạch chủ yếu để chống đói. Với truyền thống sản xuất nông nghiệp đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh, đến năm 2020, xã Ninh Hải đang hình thành các mô hình sản xuất tập trung: vùng chuyên trồng lúa, trồng màu, cam đường, có chất lượng theo hướng sản xuất hàng hoá, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho năng suất, chất lượng cao với tính chủ động, cạnh tranh cao sẵn sàng giao lưu và hội nhập trong nước và khu vực. Đây là thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ nông nghiệp phát triển. Ngoài cấy lúa, trồng màu, Nhân dân trong xã còn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hoạt động chăn nuôi ở Ninh Hải hiện chủ yếu là quy mô hộ gia đình, đã xuất hiện hình thức chăn nuôi kiểu trang trại tập trung, nhưng chưa nhiều...

Tiểu thủ công nghiệp - xây dựng địa phương từ phát triển nhỏ lẻ, chủ yếu tận dụng thời điểm nông nhàn, chưa có tính chuyên nghiệp tập trung. Trước đây, trong xã có một số nghề thủ công truyền thống như: nghề nấu rượu thôn Bồng Lai nổi tiếng; đến năm 2020 đã có 154 hộ tư nhân, kinh doanh cá thể, 2 cơ sở tập trung với các ngành nghề như: may mặc, cơ khí, đồ gỗ, nội thất, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp. Ngành dịch vụ từng bước phát triển, ngày càng gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương. Trong xã đã hình thành phố Gốc Cọ ở thôn Nhân Lý và chợ Bồng Lai, đây là 2 trung tâm buôn bán giao lưu kinh tế với các địa phương trong vùng. Từ năm 2020 đến năm 2025, xã Ninh Hải phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao; xác định nông nghiệp là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, nhất là đẩy mạnh dịch vụ nông nghiệp để giảm tỷ trọng nông nghiệp theo tiêu chí của Chính phủ.

Bên cạnh các hoạt động kinh tế tại địa phương, một số lượng lớn lao động địa phương đi làm tại các công ty trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh, đi lao động tại các nước trên thế giới, hằng năm đã mang lại cho xã nguồn thu lớn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

II. Truyền thống văn hóa, lịch sử của Nhân dân Ninh Hải

Nhân dân Ninh Hải hầu hết là người Kinh, có một bộ phận đạo Phật và ½ dân số thôn Đồng Bình (khoảng 700 người) theo đạo Thiên Chúa (Công giáo). Tuy khác họ, khác làng, khác tôn giáo nhưng mọi người luôn gắn bó với nhau bởi “tình làng nghĩa xóm", đoàn kết xây dựng gia đình, họ tộc, quê hương, đất nước, hun đúc lên truyền thống cần cù lao động, khắc phục thiên tai, kiên cường đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm và hiếu học.

Thời kỳ phong kiến, đại đa số Nhân dân địa phương theo đạo Phật, cả 3 làng xây chùa để thờ Phật, đình thờ thành hoàng làng và là nơi hội họp của các chức dịch, nơi sinh hoạt văn hóa của Nhân dân.

Trên địa bàn xã Ninh Hải có 16 loại hình di tích, bao gồm: 3 đình, 2 chùa, 2 đền, 7 nghè, 1 nhà thờ Công giáo, 1 công trình kiến trúc dân dụng cổ truyền. Trong đó có 2 di tích lịch sử cấp tỉnh đó là đình, chùa Bồng Lai và đình Đồng Bình.

Đình Bồng Lai xây dựng vào đầu thời nhà Nguyễn. Đình thờ Thành hoàng Lương Như Hộc là quan nhất phẩm dưới triều vua Lê Nhân Tông. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1948), đình là nơi đặt Quân y viện của Quân khu Tả ngạn. Ngày 02/11/2009, đình Bồng Lai đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Chùa Bồng Lai xây dựng từ thời nhà Lê theo kiểu chữ Đinh (丁). Đây cũng là nơi điều trị thương bệnh binh thời kỳ chống Pháp. Ngoài đình và chùa, Bồng Lai còn có miếu thờ Thám hoa Lương Như Hộc. Miếu Bồng Lai được xây dựng vào năm 1572 - 1573 theo kiểu chữ Nhị (二), sửa chữa vào năm 1907.

Đình làng Đồng Bình thờ Tướng quân Đào Công Vinh, là người có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông thời nhà Trần thế kỷ XIII. Đình kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (丁), trùng tu vào thời nhà Nguyễn. Đến cuối thế kỷ XX, đình xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1993, Nhân dân địa phương đã góp tiền, góp của trùng tu, tôn tạo gồm 3 gian tiền bái và 2 gian hậu cung với chiều rộng gần 70m2, gồm 4 vì kèo theo kiểu “con chồng giá chiêng". Ngày 14/12/2011, đình Đồng Bình được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Chùa Đồng Bình (tên chữ: Đông Hải tự) thờ Phật theo phái Đại Thừa, thời gian xây dựng chưa có tài liệu xác định. Các cụ cao niên địa phương cho biết, khi họ lớn lên đã không còn sự hiện hữu của ngôi chùa, chỉ nghe các cụ trong thôn kể lại ngôi chùa bị phá cách đây 600 - 700 năm, bây giờ chỉ còn lại dấu tích của nền chùa. Ngôi chùa xưa được xây dựng trên khu đất cao ráo, mặt trước chùa nhìn ra sông Dầm (là một nhánh của sông Luộc). Về hướng tây và tây bắc có các đống: Con Ngựa, Lá Cờ, Khẩu Súng, Gốc Đa, Đống Gạch... có độ cao từ 1 - 3m. Ngôi chùa nằm tách biệt với xóm làng nhưng lại là trung tâm của nhiều vùng lân cận. Đến năm 2018, thôn Đồng Bình xây dựng thêm chùa mới nằm trên cánh đồng Giữa Đồng, có tổng diện tích 1.800m2, với kết cấu kiến trúc 2 tầng.

Ở Nhân Lý, ngoài ngôi đình làng thờ thành hoàng và chùa Bụt Mọc còn có miếu thờ thần xây dựng thời nhà Lê theo kiểu chữ Đinh (丁), trùng tu năm 1915.

Bên cạnh các đình, chùa, miếu, Ninh Hải còn 1 số văn chỉ, nhà thờ họ. Tuy không cổ kính như đình, chùa nhưng các văn chỉ, nhà thờ họ cũng là những công trình nghệ thuật với những nét chạm khắc khá tinh xảo, sinh động, thể hiện công sức và bàn tay tài hoa của Nhân dân lao động.

Từ cuối thế kỷ XIX, Thiên chúa giáo được du nhập vào địa phương, một số gia đình trong xã theo đạo, hình thành lên một họ đạo ở Đồng Bình. Năm 1888, nhà thờ Công giáo Đồng Bình được xây dựng theo kiến trúc phương Tây, tạo hình chữ Nhất (一), với diện tích 320m2. Năm 1931, giáo dân xây thêm tháp chuông cao 25m. Nhà thờ Đồng Bình thờ Thánh Đôminicô và là nơi cầu nguyện của giáo dân họ đạo Đồng Bình. Năm 2012, Nhân dân thôn Đồng Bình xây mới tháp chuông cao 25m.

Về thuần phong mỹ tục, Nhân dân địa phương có nhiều phong tục, tập quán đậm đà bản sắc dân tộc, được lưu giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Mùa xuân có hội làng rước kiệu, lễ chùa cầu phúc. Trong hội làng, cùng với tế lễ trời đất, thành hoàng cầu cho mưa hòa gió thuận, quốc thái dân an, quê hương thịnh vượng và các trò chơi dân gian (như pháo đất), hát tuồng, hát chèo... Những hình thức sinh hoạt văn hóa ấy được đông đảo mọi người ưa thích.

 Trong phong tục đám tang và đám cưới, về cơ bản các lễ nghi phong tục mang đặc điểm chung của vùng đồng bằng Bắc Bộ, riêng ở thôn Bồng Lai, các gia đình có con gái gả chồng, thường làm cỗ mời mà không lấy tiền mừng. Ở xã hội hiện đại, tục lệ này được coi là chuyện hiếm có. Tục lệ ở Bồng Lai được ghi rõ trong hương ước của làng, theo các vị cao niên trong làng thì tục lệ này đã có từ lâu. Lý do chính đến từ quan niệm con gái đi lấy chồng là “cho con, mất họ", con trai lấy vợ là “thêm người, thêm của". Nhà trai sang xin cưới nhà gái bằng lễ mặn gồm: Thịt lợn, gà, xôi, rượu… Nhà gái sẽ lấy những thứ đó để khao cỗ. Nhiều nhà thách cưới lớn, thậm chí nhà trai phải mang gạch đến xây một đoạn đường trong thôn, hay đóng góp tiền của để xây dựng công trình của làng. Theo thời gian thì những sính lễ ngày nay được các gia đình thay đổi cho gọn nhẹ, lễ mặn sẽ được chuyển sang lễ đen (lễ tiền). Dù các quan niệm đã có nhiều sự thay đổi nhưng đây vẫn là một tục lệ đẹp, cần phát huy, như một nét văn hóa của người Việt ta. Nếu lấy tiền mừng cưới, gia đình sẽ phải tổ chức linh đình, tốn kém, trong khi người dân còn nghèo, nên thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí. Tuy nhiên đây là vấn đề tế nhị, chính phong tục này đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Trên cơ sở phong tục làng Bồng Lai, chính quyền xã Ninh Hải vận động tất cả các đám cưới đều không nhận phong bì, tổ chức lành mạnh, gọn nhẹ và văn minh, góp phần thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa trong việc cưới, việc tang".

Truyền thống hiếu học cũng là truyền thống đặc sắc của Nhân dân Ninh Hải nói riêng, Nhân dân Hải Dương nói chung. Thời phong kiến, cả 3 làng không có người đỗ đại khoa, nhưng có một số người biết chữ mở lớp dạy học cho con cháu trong làng như cụ: khóa Ý, khóa Túc, khóa Phức, khóa Nguyễn Văn Thai, khóa Nguyễn Văn Thư, khóa Lê Đình Phước. Còn cụ khóa Lê Đình Đát đỗ cử nhân làm quan phủ Bình Giang. Hiện nay, cùng với sự phát triển của giáo dục và sự nỗ lực của các thế hệ học sinh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và đỗ đại học ngày càng nâng cao, riêng năm học 2019 - 2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt trên 90%, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng đạt 15%. Nhiều người con quê hương thành đạt, cống hiến cho xã hội và đã góp sức vào sự phát triển của đất nước.

Cùng với truyền thống hiếu học, Nhân dân địa phương đã tạo dựng, bồi đắp nên nhiều truyền thống tốt đẹp, đó là: truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chế ngự thiên nhiên; truyền thống anh dũng, bất khuất chống phong kiến và giặc ngoại xâm; truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Tất cả những truyền thống tốt đẹp đó khởi nguồn từ những điều kiện địa lý, nhân sinh của mảnh đất này, từ đó tác động trở lại đời sống kinh tế - xã hội của địa phương trong lịch sử.

Có xâm lược và có áp bức là có đấu tranh, bất kể già trẻ, gái trai đều đánh giặc, đó là truyền thống anh dũng của Nhân dân Việt Nam nói chung, Nhân dân Ninh Hải nói riêng, Nhân dân 3 làng qua nhiều thế hệ đã cùng với Nhân dân trong huyện tham gia các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc và chống cường quyền bất công.

Thời Lý, Trần, Lê, Nhân dân huyện Đồng Lị sau là Đồng Lại đã cùng Nhân dân cả nước đánh bại các cuộc đem quân xâm lược nước ta của giặc phương Bắc.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, năm Tân Tỵ (981), Nhân dân địa phương và các vùng lân cận đã tham gia đội quân của Lê Hoàn phá tan mũi tấn công của giặc Tống trên sông Luộc, sông Đáy.

Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, Nhân dân huyện Đồng Lị đã tham gia cùng với nghĩa quân của Trần Hưng Đạo đào đoạn sông nối liền sông Luộc với hệ thống sông Thái Bình để vận chuyển binh lương ra vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng) chống giặc.

Khi nhà Minh xâm lược nước ta, hưởng ứng phong trào chống giặc Minh của Trần Quý Khoáng (năm 1410), những người nông dân vùng Hạ Hồng nổi dậy đánh tan một đạo quân Minh do viên tướng Giao Hạo chỉ huy. Đến những năm 1414 - 1419, Nguyễn Tống Biệt - người làng Hạ Hồng và Trịnh Công Chứng - người làng Đồng Lại (nay là Ninh Giang) đã dẫn 10 vạn quân tiến đánh quân Minh trên đất Hồng Châu, buộc nhà Minh phải cử viên danh tướng Phương Chính đem quân cứu viện. Nghĩa quân Hạ Hồng tiếp tục tấn công vào đoàn quân cứu viện làm cho quân Minh điêu đứng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh do Lê Lợi khởi xướng.

Cuối thế kỷ XVIII, nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ dẫn đầu đã kéo quân thần tốc từ Nam ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh. Khi tiến ra Bắc, nhiều người con áo vải của vùng đất Vĩnh Lại đã tham gia cùng nghĩa quân chuẩn bị lương thực tiếp tế cho đoàn quân, góp phần vào chiến thắng của cuộc đại phá 20 vạn quân Thanh của nghĩa quân Tây Sơn.

Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta (ngày 01/9/1858), hưởng ứng phong trào Cần Vương, phong trào đấu tranh của Nhân dân huyện Vĩnh Lại, trong đó phần lớn là những người nông dân lên cao mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1885 - 1892) của Nguyễn Thiện Thuật. Mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại, song đã thể hiện tinh thần chiến đấu của nghĩa quân trong bảo vệ chủ quyền độc lập đất nước.

Những nội dung khái quát trên tuy chưa phản ánh đầy đủ về con người và truyền thống quê hương Ninh Hải. Song, cũng giúp chúng ta có cơ sở thực tế để hiểu và tự hào về tinh thần hiên ngang, bất khuất, đoàn kết trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông qua các giai đoạn lịch sử trước đây. Những truyền thống đó vừa mang tính ổn định, lưu truyền, vừa không ngừng phát triển và thích nghi, có kế thừa, loại bỏ và bổ sung. Trong suốt quá trình lịch sử của mình, các thế hệ cư dân Ninh Hải đã nối tiếp nhau, tạo dựng lên những truyền thống tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, làm cho mảnh đất này ngày càng thịnh vượng, trường tồn với đất nước, con người Việt Nam.​

​(Trích từ cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Ninh Hải giai đoạn 1930-2020, tái bản có chỉnh lý, bổ sung)